Đừng tiêu cực! Vì thái độ và suy nghĩ sẽ quyết định số phận của mình
Lúc không thể cử động được một nửa cơ thể của mình, tôi đã nghĩ rằng bà sẽ tức giận, sẽ phát điên với mọi thứ. Nhưng không, bà luôn cười và biết ơn rất nhiều vì mình còn được sống. Sự tích cực đó đã mang đến một phép màu...
Mẹ tôi đang nằm trong phòng cấp cứu, bất động và đầy mệt mỏi. Bác sĩ nói với tôi bà vừa bị đột quỵ, và điều này sẽ khiến toàn bộ nửa bên phải cơ thể của bà bị liệt. Điều tôi sợ hãi nhất là mẹ sẽ bị tổn thương não và không còn nhớ gì nữa. "Con là Lisa" - tôi nói rồi siết chặt lấy tay trái của mẹ. Dù yếu ớt nhưng mẹ cũng cố nắm tay tôi. Cả hai mẹ con đã khóc khi linh mục cầu nguyện trên phần cơ thể bị liệt của bà. Cảm giác sợ hãi và bất lực ùa về, đêm đó, tôi đã khóc mãi cho tới lúc mệt và ngủ thiếp đi.
Những ngày tiếp theo, mẹ bắt đầu làm quen với những bài tập phục hồi chức năng ở trên giường. Bà nắm tay thật chặt rồi mở ra; nhấc cánh tay và chân lên rồi hạ xuống. Mọi việc cứ lặp lại như thế, và lúc nào bà cũng cười. Trước khi bị đột quỵ, bà cũng đã tham gia một lớp vận động cho người già và hiểu rằng việc tiếp tục cố gắng là rất quan trọng. Mặc dù sức khoẻ còn yếu, nhưng tia lửa quyết tâm trong mắt mẹ tôi vẫn luôn cháy sáng.
Bác sĩ bảo rằng tình trạng của mẹ tôi bây giờ là 30-30-30: 30% bà sẽ ra đi, 30% bà sẽ bị liệt nửa người mãi như vậy, và 30% mọi thứ sẽ thay đổi. Phép chia này thật buồn cười! Vậy 10% còn lại thì sao? Phép màu à? Tôi đã thuyết phục mình tin vào điều đó.
Chúng tôi quyết định sẽ còn nước còn tát, tập trung vào những điều mình đang có. Mẹ tôi đã có ý thức, hiểu tất cả mọi thứ đang diễn ra, có thể viết bằng tay trái khi gặp khó khăn trong diễn đạt. Nhờ những bài tập phục hồi chức năng, bà đã có thể dần dần nói chuyện. Thi thoảng, bà sẽ chỉ gặp một chút khó khăn khi tìm từ muốn nói hoặc phát âm mà thôi. Lúc nào tôi cũng cầu nguyện và muốn bà giữ được trạng thái tinh thần tích cực. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi vẫn đang có nhau.
Một ngày, tôi đến thăm mẹ ở trung tâm phục hồi chức năng. Bà nói: "Ngày nào mẹ cũng rất đau, nhưng mẹ thấy thanh thản".
- Làm thế nào để mẹ luôn thấy thanh thản? Mẹ đang ngồi trên xe lăn, nói với con về những cơn đau phải chịu đựng hằng ngày...
- Mẹ đã cầu nguyện, và mẹ làm việc đó mỗi ngày. Mẹ luôn cảm ơn Chúa vì để mẹ còn sống.
Tôi không biết làm gì ngoài việc đứng đó và rơi nước mắt. Tạ ơn Chúa, dù đang đối mặt với việc có thể sẽ phải nằm một chỗ cả đời, nhưng mẹ tôi vẫn luôn lạc quan và tích cực.
Mẹ tôi không cho phép những khó khăn trong việc vận động ngăn cản tinh thần và ý chí của mình. Hôm đó, trước khi tôi chuẩn bị rời khỏi nhà dưỡng lão, bà đã hỏi tôi đường tới phòng ăn.
- Con sẽ gọi hộ lý cho mẹ.
- Không, để mẹ tự đi!
Tôi đã chỉ đường cho bà. Rồi bà sử dụng cánh tay và bàn tay trái của mình để di chuyển các bánh xe trên chiếc ghế, dùng chân trái để đẩy mình đi về phía trước. Cứ thế, bà đã tự đi đến hành lang, nơi có dãy tay vịn ở trên đường. Dù chậm, nhưng bà đã có thể tự đến đó. Giây phút ấy là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất đời tôi!
Trước lúc đi ngủ vào buổi đêm, mẹ nói với tôi hãy xoa bóp cho cánh tay phải của bà vì bà tin như vậy máu sẽ lưu thông và chúng có thể vận động lại. Bốn tháng sau, ngón tay bên phải của bà đã có thể vận động.
- Mẹ ơi, đó thực sự là một phép màu!
- Đúng rồi con gái yêu!
Lúc không thể cử động được một nửa cơ thể của mình, tôi đã nghĩ rằng bà sẽ tức giận, sẽ bế tắc, sẽ khó chịu vô cùng. Nhưng không, bà luôn cười và biết ơn rất nhiều vì mình còn được sống.
Mẹ đã cho tôi một bài học ý nghĩa về việc hãy trân trọng hiện tại, hãy sống cho chính khoảnh khắc này. Sự lạc quan của bà đã cho tôi thêm niềm tin, thêm quyết tâm để cùng bà chiến đấu với bệnh tật. Tôi luôn nhớ mãi về điều đó cho đến khi bà mất.
Ai cũng yêu mẹ của mình. Làm sao mà không thể chứ? Khi bà ngồi đó trên chiếc xe lăn với nụ cười tươi trên môi. Ngày nào cũng thế trong suốt quãng thời gian chữa trị của mình.
Tác giả: Lạc Hi
0 nhận xét: